Trong bối cảnh phát triển bền vững ngày càng được quan tâm, ESG đã trở thành từ khóa nổi bật trên nhiều diễn đàn khác nhau. Tuy nhiên, khái niệm về phát triển bền vững hiện nay vẫn được nhìn nhận chủ yếu từ khía cạnh Môi trường (Environment) trong khi các yếu tố về Xã hội (Social) và quản trị doanh nghiệp (Governance) tuy đóng vai trò quan trọng không kém nhưng vẫn thường bị bỏ ngỏ hoặc chưa được xem là một phần trong bức tranh chung về phát triển bền vững.Thông qua câu chuyện thực tiễn từ ba doanh nghiệp Việt – Lúa Mùa Tư Việt, MapMe, và Amanaki – chương trình chương trình Ươm mầm Phát triển Bền vững 2024 do Dear Our Community tổ chức không chỉ làm rõ vai trò của từng yếu tố trong mô hình ESG mà mở ra những góc nhìn mới về cách ESG có thể được áp dụng một cách sáng tạo và hiệu quả trong mọi quy mô và mô hình doanh nghiệp.
Lúa Mùa Tư Việt: Tôn trọng và sống hòa hợp với thiên nhiên
Sự chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang canh tác lúa cao sản trong những thập kỷ gần đây đã dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng về môi trường như ô nhiễm đất, suy thoái đa dạng sinh học, đe dọa hệ sinh thái tự nhiên. Trước thực trạng này, Lúa Mùa Tư Việt đã chọn một hướng đi khác biệt: phát triển mô hình nông nghiệp bền vững với mục tiêu lưu giữ nét văn hoá lúa mùa của người Việt xưa. Đại diện cho yếu tố Môi trường (Environment) trong mô hình ESG, Lúa Mùa Tư Việt không chỉ sản xuất lúa mà còn giữ gìn phương pháp canh tác truyền thống và giảm thiểu tối đa hóa chất để bảo vệ đất.
Chú Tư Việt – “cha đẻ” của trang trại Lúa Mùa Tư Việt tâm sự, “Khi ông cha ta khai phá đồng bằng sông Cửu Long, họ không chỉ tạo ra nền văn hóa lúa mùa, mà còn thổi hồn vào tính cách và bản sắc của người miền Tây. Với tôi, việc gìn giữ và trân trọng di sản này không chỉ là nghĩa vụ đối với các thế hệ sau, mà còn là cách để kết nối với quá khứ và xây dựng một tương lai bền vững.”
Chú Tư Việt (Lê Quốc Việt) – nhà sáng lập Trang Trại Lúa Mùa Tư Việt chia sẻ về ý nghĩa của việc giữ gìn văn minh lúa mùa truyền thống
Với mong muốn hiện thực hóa sứ mệnh này, các học viên của chương trình Ươm mầm Phát triển Bền vững tham gia vào việc xây dựng và quảng bá các chương trình du lịch trải nghiệm tại trang trại Lúa Mùa Tư Việt nhằm tạo ra nguồn tài chính cần thiết và nâng cao hiệu quả việc quảng bá mô hình này để thu hút du khách đến với mô hình trải nghiệm nông nghiệp giáo dục độc đáo.
Bạn Nguyễn Đoàn Xuân Mai – học viên của chương trình, chia sẻ: “Tham gia vào dự án cùng chú Tư và Lúa Mùa Tư Việt, mình hiểu rõ hơn giá trị của nông nghiệp bền vững và việc bảo vệ môi trường. Sự tận tâm và nhiệt huyết của chú Tư khiến mình cảm thấy may mắn khi được góp sức vào việc bảo vệ môi trường và truyền bá mô hình nông nghiệp xanh, giúp tạo ra một tương lai bền vững hơn cho tất cả chúng ta.”
MapMe: Nền tảng kết nối cộng đồng nhằm phát huy tri thức bản địa
Nếu Lúa Mùa Tư Việt tập trung vào phát triển bền vững thông qua việc bảo tồn di sản lúa mùa, thì MapMe lại mở ra một hành trình xanh khác bằng việc kết nối và phát huy tri thức bản địa tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang đối mặt với nhiều thách thức xã hội nghiêm trọng, đặc biệt là tình trạng di cư ồ ạt dẫn đến sự mất mát nguồn lao động và kiến thức bản địa quý báu. Đại diện cho yếu tố Xã hội (Social) trong ESG, MapMe được sáng lập với sứ mệnh bảo tồn tri thức bản địa bằng cách tạo ra một nền tảng trực tuyến, nơi các thành viên có thể chia sẻ và lan tỏa tri thức bản địa giúp tạo ra các giải pháp bền vững và thích nghi với biến đổi khí hậu. Thông qua cơ sở dữ liệu về tri thức bản địa được đóng góp bởi bất kỳ ai, MapMe mong muốn nâng cao nhận thức và tạo cơ hội cho mọi người từ doanh nghiệp, tổ chức, nhà đầu tư và chuyên gia, đặc biệt là cộng đồng và người trẻ địa phương tham gia vào các sáng kiến để thúc đẩy phát triển bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Bà Võ Ngọc Tuyền (Kelly), người sáng lập MapMe, chia sẻ: “Tri thức bản địa không chỉ là những hiểu biết đơn thuần mà là cả một kho tàng trí tuệ được tích luỹ và cách sống hòa hợp với thiên nhiên qua hàng ngàn năm. Chúng tôi tin rằng sức mạnh của sự sẻ chia và kết nối cộng đồng có thể mang lại sự thay đổi tích cực giúp Đồng bằng sông Cửu Long vượt qua thách thức hiện tại.”
Đồng hành cùng chương trình Ươm mầm Phát triển Bền vững, các học viên đã tích cực tham gia vào việc xây dựng và triển khai chiến lược quảng bá MapMe đến cộng đồng. Qua đó, họ không chỉ góp phần nâng cao nhận thức và khuyến khích sự tham gia của mọi người, đặc biệt là người trẻ ở Đồng Bằng, mà còn hiểu hơn về vai trò thiết yếu của yếu tố xã hội trong hành trình phát triển bền vững.
Các bạn học viên trong chương trình Ươm mầm Phát triển Bền vững cùng thảo luận tìm ra giải pháp quảng bá cho dự án MapMe
Amanaki: Phát triển bền vững không chỉ là chuyện của những “ông lớn”.
Khi ESG được đặt dưới góc nhìn hoạt động doanh nghiệp, yếu tố Quản trị doanh nghiệp (Governance) đóng vai trò cốt lõi. Trong khi nhiều doanh nghiệp cho rằng ESG chủ yếu vẫn là sân chơi cho những tổ chức lớn có tiềm lực mạnh, thì Amanaki – một khách sạn boutique tại TP. Hồ Chí Minh – đã chứng minh rằng bất kỳ doanh nghiệp nào, dù quy mô lớn nhỏ, đều có thể bắt đầu từ những hành động đơn giản trong chính quy trình vận hành hằng ngày.
Amanaki đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc tái chế các vật liệu như vải, giấy, và kim loại. Tuy nhiên, thử thách lớn nhất mà họ đang đối mặt là xử lý và tái chế thủy tinh. Mỗi tháng, các nhà hàng và khách sạn của Amanaki thải ra khoảng 200 vỏ chai thủy tinh. Con số này không quá lớn nếu so với toàn ngành, nhưng nếu nhân rộng ra toàn bộ hệ thống nhà hàng, khách sạn tại TP. Hồ Chí Minh, lượng rác thải thủy tinh này có thể lên đến hàng triệu chai mỗi năm. Hiện tại, Amanaki vẫn chưa có giải pháp tái chế thủy tinh hiệu quả, và hầu hết các chai sau khi sử dụng đều được gửi đến các đơn vị xử lý rác thải.
Anh Đức Bùi (General Manager) chia sẻ về bài toán hoạt động xử lý và tái chế thủy tinh tại Amanaki Group
Trước thực trạng này, chương trình Ươm mầm Phát triển Bền vững đã tạo cơ hội cho các học viên đồng hành cùng Amanaki và tham gia trực tiếp vào việc nghiên cứu về các giải pháp tái chế thủy tinh phù hợp. Các học viên hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, dưới sự hướng dẫn của chuyên gia về lĩnh vực kinh tế tuần hoàn (mentor) để tạo ra một báo cáo nghiên cứu về bối cảnh hiện tại, cũng như đưa ra những đề xuất phù hợp để cải thiện khả năng tái chế thuỷ tinh tại Amanaki nói riêng và tại Việt Nam nói chung.
Amanaki đã cho thấy rằng phát triển bền vững không chỉ là nhiệm vụ của những “gã khổng lồ”, mà còn là cơ hội cho những ai dám bắt đầu từ những bước đi nhỏ. Sự nỗ lực và sáng tạo trong việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề tái chế thủy tinh chính là minh chứng rõ ràng rằng mọi doanh nghiệp, đều có thể bắt đầu hành trình phát triển bền vững thông qua việc tối ưu cách thức quản trị và vận hành doanh nghiệp, nhằm đảm bảo tính bền vững của doanh nghiệp mình trước tiên và từng bước góp phần vào những mục tiêu lớn hơn của cộng đồng, xã hội.
Chia sẻ về hành trình thực hiện dự án Amanaki, bạn Tống Lệ Hân cho biết “Mình thấy dự án Amanaki rất thú vị, đặc biệt là ở khía cạnh kinh tế tuần hoàn và phân tích vòng đời sản phẩm (LCA). Trước đây, mình có tìm hiểu về các khái niệm này nhưng chưa có cơ hội áp dụng thực tế. Khó khăn lớn nhất đối với em là việc sắp xếp thời gian và duy trì động lực để hoàn thành công việc. Dù đôi lúc cảm thấy bị quá tải trước lượng thông tin mới, nhưng em rất vui vì có các anh chị mentor hỗ trợ và hướng dẫn trong suốt quá trình.”
Từ ba mô hình trên, ta thấy rằng mỗi doanh nghiệp hoàn toàn có thể thực hiện phát triển bền vững theo những cách thức đa dạng, phù hợp với đặc thù ngành và quy mô hoạt động riêng. Bên cạnh việc chú trọng đến tác động môi trường, các yếu tố xã hội và quản trị cũng đóng vai trò quan trọng không kém trong việc xây dựng một mô hình phát triển bền vững toàn diện.
Thông qua Chương trình Ươm mầm phát triển bền vững năm nay, không chỉ các doanh nghiệp đối tác được hỗ trợ, mà đặc biệt là các tài năng trẻ còn có cơ hội học hỏi và ứng dụng toàn diện các khía cạnh của ESG, từ đó thúc đẩy sự sáng tạo trong việc áp dụng những kiến thức này vào hành trình xây dựng sự nghiệp bền vững, hòa vào công cuộc “xanh hóa” chung để hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn cho Việt Nam và cho thế giới.